Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

BÀ GIÀ TRẦU

 “- Tổ cha mầy! Đói vô ăn cơm. Con ngựa ốm nhách, mệt”. Bà già trầu miệng nhai, tay quẹt. Nước trầu đỏ thắm, tươm môi kẻ chỉ.
     Hình ảnh chiếc xe ngựa - thổ mộ (Người Pháp gọi: boite d' allumettes - xe hộp quẹt). Với tiếng vó ngựa lộc cộc, tiếng lục lạc leng keng, tiếng kêu lách cách của cặp bánh gỗ, tạo thành bản hoà tấu, giàu âm điệu. Con ngựa ốm tong teo, kèm hai miếng da che mắt của hai Thành, đã trở nên thân thương, quen thuộc của bà con.
     Mỗi khi ngang quán bà già trầu, câu nói quen thuộc như sưởi ấm tâm hồn cô quạnh của hai Thành. Chiếc xe thổ mộ đã để lại nhiều kỷ niệm đối với người dân Mười tám thôn Vườn trầu - Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một… Xe thổ mộ cũng là một nét văn hoá - lịch sử của vùng đất này. 
     Mười tám thôn vườn trầu, tên chữ Thập bát phù viên hay “Thập bát phù lưu viên”
     Ngày xưa, Mười tám thôn vườn trầu còn hoang sơ, cỏ cây rậm rạp và nhiều thú dữ, đặc biệt là hổ. Tương truyền hổ - “Ông ba mươi” thường nghênh ngang trên đường làng giữa ban ngày, ban đêm thì thả sức tung hoành quấy phá. Vì vậy mới có câu "dữ như cọp mười tám thôn vườn trầu". Mỗi lúc đi bán trầu, các nhà vườn phải đi chung ba, bốn mươi người, gồng gánh trầu về bán tận Sài Gòn, Bến Nghé.
     Hai Thành không vợ con, một chân bị cưa trên gối. Đến bây giờ không ai biết gốc gác hai Thành. Lúc thì nói du kích, lúc thương phế binh, không biết đâu mà lần. Bà già trầu chỉ biết hai Thành một giò. Hai Thành xe ngựa, chịu khó, hiền lành…
     Mấy lần bà gợi ý gả năm Lộc cho hắn. Năm Lộc tuy không đẹp, nhưng giỏi chạy chợ. Lớn hơn hai Thành một tuổi, chưa chồng, chưa phải gái già. Hai Thành không ừ, không hử.
     Mỗi lần thấy nó cà nhắc đưa hàng của năm Lộc lên xe, ràng rịt cẩn thận, phủi bụi chỗ ngồi. Bà già trầu chắc mẩm, trước sau gì hắn cũng làm rể bà.
     “- Tổ cha mầy! Nhà đây, cửa đây. Thui thủi một mình. Bịnh hoạn ai lo?”.

     Hai Thành muốn khóc, nhưng mặt ráo hoảnh. Mười ba tuổi mồ côi cha, mẹ lấy chồng khác. Hắn theo làm nài trường đua Phú Thọ. Nài càng nhẹ ký, ngựa chạy càng nhanh. Nhiều lần tay yếu cầm cưong, ngựa quăng hắn lăn lông lốc. Người ta chỉ cần biết tên ngựa: Thanh Long, Lữ Bố, Triệu Tử Long… Không cần biết hắn.
     Ngày hắn chống nạng lò cò về Bà Điểm. Ông ba Sanh cho hắn tá túc, đưa hắn đi lắp chân giả, tập cho hắn chạy xe thổ mộ. Ông ba Sanh mất, không con cháu gì. Giao gia sản gồm căn nhà lá, hơn chục giàn trầu, chiếc xe thổ mộ và con ngựa trành chỉ còn loe hoe lông đuôi cho hai Thành.
     Bà già trầu nhìn bốn cái hột vịt lộn trên bàn, bà biết của hai Thành. Sao hôm nay không nghe tiếng leng keng. Bà réo năm Lộc: “- Mầy chạy qua hai Thành. Tổ cha nó…”. Không biết bà còn định nói gì. Năm Lộc chưa nghe xong, chạy mất hút.
      Nhà hai Thành cửa đóng then cài. Không biết đi đâu!

      Tiếng chuông chùa Linh Sơn ngân nga, theo gió lan dần về thôn xa. Chùa Linh Sơn do Hòa thượng Thích Từ Sơn (1907-1972) sáng lập năm 1958. Tọa lạc tại ấp Hậu Lân, Bà Điểm. 
     Từ ngày hai Thành ra đi không từ giã. Bà già trầu vừa giận vừa thương. Cô năm Lộc vẫn tất tả thường ngày chạy chợ. Nhưng cũng có lúc, cô thấy thiếu vắng một cái gì. Tiếng leng keng của xe ngựa hai Thành như vừa giục giã, vừa quyến luyến. Xe thổ mộ nào không leng keng. Nhưng khác xa...
     Hôm nay rằm tháng bảy, Lễ hội Vu Lan. Năm trước trên đường về ngang chợ Hòa Hưng, hai Thành tặng cô năm Lộc một đóa hoa hồng, định cài lên ngực, nhưng không dám. Sự lúng túng của hai Thành làm mấy bà trên xe hiểu theo nghĩa khác. Bà Thanh lò vôi ấn vào tay hai Thành bó hoa cúc vàng thắm, mắt liếc về phía cô năm Lộc…
     Ngày rằm tháng bảy, xá tội vong nhân. Cô năm Lộc noi gương đức Mục Kiền Liên, nguyện làm con thảo. Hai Thành cảm mến tấm lòng hiếu thuận của cô. Nhưng nghĩ về phận mình, hai Thành cứ để nước chảy hoa trôi.

     Bà già trầu đi ra đi vào, dừng chân vén mấy ngọn trầu non tơ lả lơi, không biết bám víu vào đâu. Bà thở dài, nhắc cô năm mua hương đèn, vàng bạc cúng tế cô hồn. Những vong linh khuất mày khuất mặt, tứ cố vô thân, trôi sông lạc chợ, quên mất đường về.
     Hai Thành đã xuất gia, quy y Tam bảo. Thầy Huyền Chiêu trụ trì chùa Linh Sơn, vốn là chú nài ngựa mồ côi năm xưa, cùng lứa hai Thành. Duyên lành đưa về bến giác, hai Thành bỏ lại sau lưng, tấm lòng đôn hậu của bà già trầu và tình yêu sắc sắc không không của cô năm Lộc.
     Từ ngày hai Thành đi tu, bà già trầu vừa thất vọng, vừa thấy tâm hồn mình thơ thới, an lòng. Bà cùng năm Lộc siêng năng đi lễ chùa hơn.
     Một lần đàm đạo với thầy Huyền Chiêu, hai Thành ấp úng muốn hiến mảnh vườn gần 5 công đất nhà mình, làm công ích. Thầy Huyền Chiêu trầm ngâm:“Thầy ước gì thành lập được trung tâm ngoại ngữ miễn phí cho con em:  Mười tám thôn vườn trầu, Bà Điểm”
     Bà già trầu chờ thầy Huyền Chiêu dứt lời, vội đứng lên chắp tay:“Con xin cúng dường năm phòng học đầu tiên, cùng bàn ghế, bảng đen”. Cô năm Lộc ngạc nhiên nhìn mẹ, nhưng lòng cô hân hoan như vừa cùng hai Thành làm nên nghĩa cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...