Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

NGƯỢC NƯỚC

     Hoàng Dung gốc Huế, cất tiếng hò điệu mái nhì, nghe như than thở:Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông/  Thuyền ai thắp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non… “.(Ưng Bình Thúc Giạ)
     Giai điệu câu hò mái nhì da diết, mềm mại, thiết tha khiến lòng Đoan Bình bâng khuâng, nhớ về miền sông nước quê nhà. Hò mái nhì mà đưa câu mái đẩy. Con thuyền mỏng manh chơi vơi,  khòm lưng chèo ngược nước, như người ngược dòng đời, chạnh lòng tha hương thương non nhớ nước, trong vất vả, gian nan.
    “Phu Văn Lâu (lầu trưng bày văn thư)  ở mặt Nam kinh thành Huế, trước kỳ đài và Ngọ Môn:“Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Kỳ đài ba bậc/ Phu Văn Lâu trước thành”. Thời Minh Mạng, triều đình cho dựng hai tấm bia đá:”Khuynh cái hạ mã”(Nghiêng nón xuống ngựa). Danh sách các khoa danh tiến sĩ được niêm yết tại đây. Phía trước Phu Văn Lâu có tiểu đình kề bên sông Hương gọi là Nghinh Lương Đình dành cho các vua tiêu dao, ngắm cảnh”.


Phu Văn Lâu - Huế

     Miền quê Ba Tri - Bến Tre của Đoan Bình cũng nước ròng nước lớn. Cuộc đời cô thăng trầm theo vận nước đảo điên. Cha cô – cụ Đề Giang, gom góp của cải ủng hộ và hưởng ứng  phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, thuở nhỏ Đoan Bình theo học chữ nho, bốc thuốc với bà Sương Nguyệt Anh (Nguyễn Thị Khuê – con gái cụ Đồ Chiểu), lúc này Sương Nguyệt Anh đã mù giống cha mình. Đoan Bình được cha dạy võ từ sớm, cô lên Saigon tìm nơi dựng nghiệp, đã gần bốn mươi nhưng vẫn chưa chồng. Thập niên 50 nhiều biến động, cô vừa học vừa làm. Xã hội đã phân hoá như Cửu Long giang đổ ra chín cửa, lòng cô chơi vơi giữa dòng đời.
     Thời thế nhiễu nhương, các phong trào chống Pháp  ồ ạt nổi lên. Dương Văn Dương, thủ lĩnh các nhóm giang hồ Nam Bộ thống nhất lực lượng ở Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm và lực lượng Bình Xuyên ra đời, hàm ý tấn công, bình định các vùng đất trên sông rạch.
    Tại Tân Châu - Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Cần Thơ, lực lượng Hoà Hảo với người sáng lập giáo phái là Huỳnh Phú Sổ. Tại Tây Ninh giáo sư Thượng Vinh Thanh thay mặt Hộ Pháp Phạm Công Tắc tập hợp các tín đồ Cao Đài hợp tác với quân đội Nhật chống Pháp. Việt Minh và Liên Việt hợp nhất lấy tên Mặt trận Liên Việt hay Việt Minh, quy tụ nhiều thành phần quốc gia yêu nước. Mục tiêu duy nhất của các lực lượng là chống kẻ thù chung, dành độc lập cho dân tộc mình.
     Đoan Bình không theo ai cả, cô tập hợp lực lượng toàn nữ giới có cùng chí hướng, luyện tập võ nghệ và khai sáng “dân trí”. Cô không dám mang hoài bảo lớn lao như cụ Phan:”Khai dân trí. Chấn dân khí. Hậu dân sinh”. Chủ trương “khai dân trí” của cô không dành cho người mù chữ, đồng chí của cô là nữ lưu anh kiệt, con nhà gia thế có dũng khí bà Triệu, bà Trưng.
     Cô cho người theo dõi và ra tay trừng trị những tham quan ô lại, bất kỳ ai đang có quyền thế mà giàu có bất minh, không kể đảng phái, phe nhóm nào. Lực lượng của cô xuất quỷ nhập thần như thích khách, như cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
     Một đêm không mưa gió nhưng màn đêm tối trời, cai tổng An nghênh ngang vung gậy quất vào đầu đám nông dân đang quỳ lạy cầu xin bớt sưu, giảm thuế. Bọn sâu dân mọt nước tôn cai tổng An lên bậc thượng thừa. Bỗng lưỡi dao như lá lúa xuyên thủng tim, chết đứng. Lũ quan làm to, mưu mô càng khó đoán, nhưng cứ nhìn hành vi của bọn tay chân, suy ra chân tướng kẻ tham tàn.
     Mật thám Pháp đưa lưỡi dao đi lấy vân tay, truy tìm hung thủ. Lưỡi dao mỏng manh như có thần, cong lưỡi chĩa vào yết hầu Rober – trưởng Phòng Nhì Pháp, hắn hoảng hồn vung tay, lưỡi dao cắm phập vào ngay mắt bức chân dung của hắn treo trên tường.
     Cai tổng An chết, dân nghèo cũng không bớt khổ. Hằng ngàn tên đầu sỏ, cai tổng An khác còn bạo liệt, tàn nhẩn hơn trên đất nước này. Dân càng nghèo, càng cong mình cam chịu  ách thống trị bất công.
     Đoan Bình mất phương hướng, lý tưởng của cô mong  “Quốc thái dân an” như mò kim đáy biển. Mộng tranh bá đồ vương của các phe phái, tàn sát lẫn nhau, gây ra biết bao thảm cảnh, trong khi đất nước như dầu sôi lửa bỏng. Ai vì nước vì dân?
     Hoàng Dung nhìn mây trời u ám, phương Nam hắt hiu buồn theo cơn gió tàn đông, ngâm nga điệu hò mái đẩy. Đò đi ngược nước, nhịp điệu cần dứt khoát:
“(ơ) Cựa Hói Cầu Hai (hờ)… Hấy. (Chơ) Ai về Cựa Hói Cầu Hai (hờ)… Hấy. (ơ) Thăm người bạn cũ (hờ)… Hấy. Thăm người bạn cũ (hờ)… Hấy. Chớ (có) nghe ai mà bỏ mình (hờ)… Hấy”.


     Nhưng mấy ai đồng lòng, nên đò cứ trôi xuôi, trôi mãi theo dòng nước, về đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...