Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

TRUYỀN THUYẾT

      Anh vừa lúi húi mang giày vừa gọi:”-Vào đây! Mình vừa đọc về Trọng Thuỷ - Mỵ Châu. Chuyện Mỵ Châu bứt lông ngỗng trên chiếc áo của mình, rải chỉ đường cho Trọng Thuỷ đuổi theo. Lông ngỗng nhẹ hều, lông bay theo gió mất hút còn đâu… chừ mình mới thấy, cũng lạ!”. Anh vừa nói vừa cười, nụ cười “thàng hậu” hết sức.

     Có những điều tưởng tượng kì ảo, các nhân vật, sự kiện liên quan đến lịch sử đã tồn tại trong văn học dân gian và không thể đổi thay, đã trở thành truyền thuyết.
      Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ “Ta vốn là con cháu thủy thần, nàng thuộc loài tiên, nước lửa khắc nhau, không thể kết hợp lâu dài được. Vậy xin chia tay để giữ lấy dòng giống. Nàng nên đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển, cùng nhau khai cơ mở nghiệp, tạo thế cho con cái và dân chúng dài lâu”.
     Yết Kiêu với biệt tài thuỷ chiến, giúp nhà Trần chống Nguyên Mông. Một hôm thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, ông dùng đòn gánh phang, cả hai con trâu chạy biến xuống nước. Ông mới biết hai con trâu mình vừa đánh là trâu thần, sờ lại đầu đòn gánh thì thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt lấy, từ đó mà ông bơi lặn giỏi. Ông lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất.
     Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây rừng:”Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Côn trùng khoét thành chữ, lá trôi theo dòng nước, phân tán khắp nơi. Ai cũng cho là ý trời nên kéo nhau về Lam Sơn tụ nghĩa.
     Lê Thận quăng chài được mảnh sắt. Lê Lợi thấy chữ “Thuận thiên”“Lợi”. Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi thành gươm thần. Hoàng hậu ra vườn nhặt được quả ấn báu cũng có chữ “Thuận thiên” cùng chữ “Lợi”. Khi đã lên ngôi, Lê Thái Tổ cùng quần thần ra hồ Tả Vọng ngoạn cảnh. Ông rùa nổi lên xin vua hoàn gươm cho Long Quân. Từ đó hồ Tả Vọng mang tên hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. (Lam Sơn thực lục – Nguyễn Trãi).
     Trong "Tây Sơn lược thuật", người ta miêu tả Nguyễn Huệ "Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...".
     Tương truyền, trước khi ra quân đánh quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế để động viên quân sĩ. Sau lúc làm lễ, Quang Trung sai mang đến cái mâm, trên để các đồng tiền, có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ:
“Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.”
    Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, bưng mâm tiền, cung kính dâng cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra bắc sẽ thắng quân Thanh. Kỳ thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả hai mặt đều là mặt sấp.
……..
     Không khơi dậy lòng ái quốc với ngôn từ yêu thương, trung nghĩa, đạo học của thánh hiền. Không noi theo những tấm gương sáng chói, hy sinh vì quyền lợi dân tộc. Không  tự hào vì  sự vẹn toàn giang sơn gấm vóc của cha ông, mà bằng sự dối trá, bạo lực, lý tưởng hảo huyền. Chỉ lo vun đắp cho mình, cho mộng bá đồ vương.
     Tâm hình dung những người dân tội nghiệp dễ tin lời ma mị, đã đem thân làm bia đở đạn cho bao cuộc chiến cốt nhục tương tàn.     
     Đôi khi “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Nhưng dù mục đích nào, thân phận nhỏ bé của của người dân vẫn đáng thương. Mê muội và áp bức dẫn đến sự cam chịu và dìm chết niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng, khiến họ tin vào thần thánh hơn ở lòng người. Người người sống trong hoài niệm, những khung trời  thanh bình ngày cũ, vụt sáng như sao băng để rồi ngụp lặn trong thăm thẳm của đêm truờng tăm tối.
     Thời xưa, các triều đại dần hồi suy vong do sự thối nát  của giai cấp thống trị (cha truyền con nối). Sĩ phu thờ ơ thời cuộc, văn hoá suy đồi. Đời sống người dân cơ cực sưu thuế tăng cao, thiên tai đói kém khiến họ phải lưu vong. Cường hào ác bá  tha hồ o ép chiếm đoạt ruộng đất, khiến lòng người mất niềm tin.
     Gần trăm năm trước, cụ Phan Chu Trinh đã chủ trương:“Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”.
     Cụ viết: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường...
… Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”.
   

     Anh vỗ vai làm Tâm giật mình. Thời đại cả thế giới vo tròn trong lòng bàn tay, thông tin được cập nhật và phổ biến nhanh chóng toàn cầu, chuyện hoang đường mang lời phủ dụ của thần thánh, ru ngủ những tâm hồn đôn hậu lương thiện, sẽ không còn đất sống. Tâm nhìn lên màng hình, trang https://vi.wikipedia.org/wiki/ đang chờ:[sửa|sửa mã nguồn] về truyền thuyết “Dân làm chủ - Đất đai là sở hữu của toàn dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...