Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

NGUỴ DÂN

     Cuộc khởi nghĩa do anh em Tây Sơn lãnh đạo, bùng nổ năm 1771. Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, từ đồng bằng phía bắc tỉnh Bình Định (hạ đạo), lên đến vùng cao nguyên phía tây dãy Trường Sơn (thượng đạo). Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từ Kiên Mỹ đã lên đây lập căn cứ địa. Đồn luỹ của nghĩa quân Tây Sơn, được che chắn bởi quần sơn Ngọc Linh ở phía bắc, dãy Trụ Lĩnh trùng điệp ở đông nam. Sông Ba và suối Cái là chiến hào  phía tây. Toàn bộ khu vực này, một lần nữa lại được bao bọc bởi một vành đai núi non án ngữ ở phía đông, gồm dãy đèo Mang, sườn đông dốc đứng, cùng với ba ngọn núi lớn là hòn Bình, hòn Nhược và hòn Tào, tạo thành bức tường thành thiên nhiên vĩ đại. Núi ông Bình (Nguyễn Huệ) có thể quan sát đến tận vùng hạ đạo, bờ biển Quy Nhơn. Hòn Bình nối với hòn Nhược (Nguyễn Nhạc) bằng một lũy đắp kiên cố, tạo thành thế liên hoàn án ngữ phía đông và nam. Trong khi đó dưới chân hòn Tào (Nguyễn Lữ) là khu vực gò Kho, xóm Ké, nơi nghĩa quân đồn trữ binh lương, tập hợp các dân tộc bắc tây nguyên như người Bahnar, Jrai…
    “Tuy nhiên, nếu không có một người con gái Ba Na thông minh và xinh đẹp giúp sức thì Nguyễn Nhạc cũng khó lòng chiếm được cảm tình của người dân Ba Na nơi đây. Nàng tên là Ja Dok, con của vị tù trưởng Ba Na hùng mạnh và giàu có. Những ngày Nguyễn Nhạc lên đây buôn bán trầu, bà có cảm nhận người này không chỉ đi buôn mà đang ấp ủ một việc lớn. Cảm tấm lòng người anh hùng, bà Ja Dok nhận làm vợ của ông. Với sự giúp sức của bà, Nguyễn Nhạc đã lấy được lòng cha bà là vị tù trưởng. Bà đã vận động cha và dân trong vùng ủng hộ cho nghĩa quân Tây Sơn 300 thớt voi, 400 ngựa và hàng trăm gùi lương thực.
     Kể từ đó công việc của bà gắn với hoạt động của nghĩa quân. Từ thị trấn An Khê đi về phía nam là con đường độc đạo bé xíu, nhưng bà và Nguyễn Nhạc cũng đã đi cả trăm dặm đường vào tận làng Đê H'lang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, dưới chân núi Ja Prum để thuyết phục đồng bào Ba Na nơi đây đi theo cuộc khởi nghĩa.
     Người dân vùng này kính trọng gọi bà Ja Dok bằng tên ngọn Ja Prum, ngọn núi cao nhất trong vùng. Sau khi bà mất đi, người Ba Na đã an táng bà trên ngọn núi cao nhất phía đông và lấy tên bà đặt cho ngọn núi, núi Ja Dok”(*)

     Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26-12-1788) đại quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, đóng ở đấy mươi ngày để tuyển thêm lính. Vài ngày sau, số quân của Quang Trung đã có đến hơn 10 vạn người. Sau đó, thẳng tiến ra Thanh Hóa. Ngày 20 tháng 12  Mậu Thân (15-01-1789), đại quân đến chân đèo Tam Điệp. Vua Quang Trung chia đại quân làm năm đạo tiến ra Bắc Hà.
     Tôn Sĩ Nghị đang lo lắng vì Hạ Hồi bị hạ và đồn Ngọc Hồi đang trong nguy cơ bị tiêu diệt, thì tin đồn Khương Thượng tan tành đã khiến y sợ hãi đến tột đỉnh, đến nỗi giáp không mặc, ngựa không đóng yên, vội vàng vượt câu phao tháo chạy, quên cả ấn tín và các thứ chiếu chỉ thủ bút của vua Thanh. Quân lính Thanh thì như rắn mất đầu tranh nhau tìm lối thoát thân. Sợ bọn này quá đông gây khó khăn cản trở cho con đương  rút chạy nên Tôn Sĩ Nghị nhẫn tâm ra lệnh chặt cầu phao. Thế là hàng vạn quân Thanh bị chủ tướng của chúng ném xuống lòng sâu sông Hồng.Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30-01-1789) vua Quang Trung vào Thăng Long giữa sự đón chào hân hoan nồng nhiệt của đồng bào kinh đô.
     Tháng 3 âm lịch năm 1799, Nguyễn Ánh tự cầm đại quân đi đánh thành Quy Nhơn, đánh chiếm các vùng xung quanh rồi tới vây thành Quy Nhơn, riêng Nguyễn Ánh dựa thế thủy binh có lúc tiến ra tận Quảng Ngãi. Đô đốc Tây Sơn là Lê Chất đầu hàng . Tháng 6 âm lịch năm 1799, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu tiến quân tới Quảng Ngãi, Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phước chặn lại ở Tân Quan. Diệu và Dũng định phối hợp đánh úp quân Nguyễn lúc nửa đêm, không ngờ có người gặp con nai kêu lên, quân Tây Sơn tưởng bị quân Đồng Nai (Nguyễn Ánh) phục kích, đội hình tan vỡ, bị quân Nguyễn truy sát.
     Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định, rồi cho quân tới trấn giữ thành. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng tìm cách thu phục dân chúng vùng Quy Nhơn vì ông biết rất rõ đây là đất phát tích của Tây Sơn.
Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Ánh làm lễ lên ngôi hoàng đế ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (nhằm ngày 1 tháng 6 năm 1802) chọn niên hiệu Gia Long. Sau vài tháng nghỉ ngơi ở Phú Xuân, vào ngày giáp tuất tháng 11 (7 tháng 11 năm Nhâm Tuất, nhằm ngày 1 tháng 12 năm 1802) Nguyễn Ánh tiến hành làm lễ "Hiến Phù" (lễ dâng tù) nhằm báo công với tổ tiên; và nhân đó tiến hành trả thù gia đình Quang Toản và những người theo Tây Sơn một cách tàn bạo:
·         Quang Tự, Quang Điện, Nguyễn Văn Trị rồi các con của Nguyễn Nhạc gồm Thanh, Hán, Dũng bị giết ngay sau khi bị bắt, 31 người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ đều bị xử lăng trì.
·         Quang Toản và những người con khác của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là Quang Duy, Quang Thiệu và Quang Bàn bị 5 voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò và giam trong ngục.
·         Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, chồng bà là Trần Quang Diệu do trước đó đã có lần tỏ ra khoan thứ cho quân Nguyễn  nên xin được Nguyễn Ánh tha cho mẹ già 80 tuổi trước khi bị xử chết...
·         Lăng mộ nhà Tây Sơn như các lăng của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã nát quăng đi, đầu ba vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung  Cảnh Thịnh) và bài vị vợ chồng Nguyễn Huệ thì bị giam trong ngục tối.
·         Các quan văn khác của Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm  Phan Huy Ích ra hàng thì cho đánh đòn và được tha về (riêng Ngô Thì Nhậm thì bị Đặng Trần Thường trước có thù riêng nên cho người đánh chết). (**)
     Gia Long và sau này là nhà Nguyễn thường hay dùng từ ngụy khi nhắc tới Tây Sơn. Những từ "ngụy Tây Sơn", "ngụy Tây","ngụy triều", "ngụy Huệ", "ngụy Nhạc”. Việc gọi tên này phổ biến trong suốt thời gian nhà Nguyễn còn mạnh, khi hầu hết các văn sử chính thống của triều đình, đều dùng các từ trên mỗi khi nhắc đến nhà Tây Sơn, đơn cử là cuốn Ngụy Tây liệt truyện của Quốc Sử quán triều Nguyễn.
   Lẽ dĩ nhiên con dân Bình Định, Qui Nhơn là “nguỵ dân”. Thời Tây Sơn hùng mạnh, chiến tranh khốc liệt, từ già đến trẻ, trai tráng nào không bị ép buộc theo quân Tây Sơn ? Phận người đã bị kỳ thị, khinh rẻ, dè chừng, trù dập, đối phó ngay chính tại quê hương mình, dân tộc mình. Nỗi buồn, nỗi “lo”  của thân phận nguỵ dân, ăn vào máu thịt, đã mấy đời cha ông…
Phần đọc thêm:
     Về chuyện vua Gia Long trả thù Tây Sơn, nhà viết sử Trần Gia Phụng đã đi xa hơn các học giả đi trước khi lần đầu tiên ông phân tích rằng:
“Không kể cá nhân ông (Gia Long) bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần [chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790” (Việt Sử Đại Cương, Tập 2, tr.445).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...