Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

DÒNG SÔNG TRƠ ĐÁY

    Người đàn ông quê mùa, thô kệch. Áo quần thấm đẩm mồ hôi, lấm lem bụi đỏ, cùng chiếc xe thồ nặng nề, chất đầy chuối. Hằng ngày ì ạch đẩy lên dốc. Hình ảnh ấy khó phai mờ trong tôi: Thầy Ba Dzan.
     Ít ai tin được trước kia, ông là giáo sư của trường trung học nổi tiếng ở miền Trung.
     Tôi cũng lưu lạc phương này. Tất cả đã trắng tay, trong canh bạc đặt cược bằng tương lai và thân phận cuộc đời.
     Gia đình Thầy Ba Dzan đông con. Vợ thầy cùng ngành với tôi thời đại học. Các em tuổi mười lăm, mười bảy, học hành dang dở. Gánh chè tất tả ngược xuôi của cô, đìu hiu theo buổi chợ chiều.
     Túp lều sửa xe đạp của tôi cũng chẳng khá gì hơn. Tôi chỉ đẩy giúp, khi bất chợt thấy dáng gầy gò của thầy cùng chiếc xe thồ lên dốc. Cả hai cùng thở, cùng cười trong cay đắng không lời.
     Thầy tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, khi tôi mới chập chững vào năm đầu trung học. Những sách luyện thi tú tài, phương pháp giải toán đại số, hình học không gian… Thầy là tác giả. Thầy dạy khác trường, tôi không được vinh dự làm học trò của thầy.
     Thầy được mời dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ nông trường cao su DG. cùng tôi. Lớp học không bình thường, học viên trình độ không đều. Các tiết học mệt nhọc và nặng nề hơn với người thầy tận tâm, khi ăn không đủ no và lao lực thường ngày.
     Tiếng ho khúc khắc của thầy làm tôi ái ngại. Tôi dạy thay thầy, nhiều lần hơn. Thầy đã bị lao phổi nặng.
     Ngày ấy, y khoa chưa tiến bộ như bây giờ. Nhưng nếu có thuốc, thầy cũng không có tiền chữa trị. Khi đồng nghiệp và học trò cũ của thầy, từ nước ngoài hay tin, gởi tiền và thuốc men về trợ giúp. Thầy đã qua đời. 
     Thầy chỉ kịp bàn giao gia tài là chiếc xe thồ, cho người con trai lớn: Em Sang.
     Trước tết, sạp cho thuê sách của tôi bị đoàn kiểm tra liên ngành huyện phong tỏa. Toàn bộ sách bị tịch thu, tôi suýt bị truy tố về tội lưu hành và tàng trữ văn hóa đồi trụy.
     Vợ tôi gào khóc thảm thiết:“- Hỡi các ông Victor Hugo, Nikolai Vasilyevich Gogol, Guy de Maupassant, Lev Nikolayevich Tolstoy, Thạch Lam, Tô Hoài, Khái Hưng, Khổng Tử, ông Phật, ông Chúa… viết sách “văn hóa đồi trụy” làm gì, cho nhà tôi hết vốn”.
     Nhìn đàn con nheo nhóc. Tôi quyết định mua chiếc xe thồ, cùng em Sang, nối nghiệp thầy Ba Dzan.
     Đầu những năm 80. Người tứ xứ tụ về, từ miền trung xa xôi: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng…    
     Họ đã rời xa làng quê yêu dấu. Nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng không thể dung thân. Tha phương cầu thực, rồi gặp nhau tại nơi này.
    Mùa mưa miền đông Nam bộ, chỉ thấy đất ba-dan nâu đỏ nhão nhoẹt. Những vườn chôm chôm, sầu riêng xơ xác. Cứ vào khoảng cuối thu, lá cao su chuyển từ  xanh sang vàng rồi nâu đỏ, trước khi rụng. Đẹp và thơ mộng hơn rừng phong Bắc Âu.

Người lên ngựa, kẻ chia bào
 Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(Kiều-Nguyễn Du).

     Những mái nhà tre lá đơn sơ, bên bìa rừng cao su. Rừng cao su trơ cành, xếp hàng thẳng tắp. Mùa cao su lá rụng là mùa cảm sốt, chưa hết mùa mưa. Nhưng cũng là mùa tựu trường. Học trò tôi, những đứa trẻ ngơ ngác, chân không dép, theo đường mòn băng ngang rừng cao su. Những chiếc xe đạp trơ khung, bùn đất đỏ bám đầy hai bánh xe lăn trượt. Em nhịn ăn sáng, buổi sáng chẳng có gì ăn. Cha mẹ đã ra lô cao su từ sớm.
     Tuổi mười hai, mười lăm thay cha mẹ. Đi chợ, nấu ăn, ru em… đi học. Học trò tôi không có khai sinh, không hộ khẩu. Gia tài cỏn con, đã tôi tuột. Từ ngày di tản.
      Tiếng còi lê thê của nông trường cao su, bật dậy những đôi vai còm cỏi. Mủ cao su theo vết cạo chầm chậm ứa, nhỏ từng giọt âm thầm, như những giọt nước mắt thời bỉ cực.
     Những gia đình một thời đã sống nơi “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn”, nhưng an bình, thắm đượm tình người. Chiến tranh đã đi qua, lại ngậm ngùi giã từ. Đến những nơi còn đầy bom mìn, lạ lẫm. Mưu sinh bằng nghề làm rẫy, phu cao su như thời Pháp thuộc.
     Rừng cao su ra lộc non, sau mùa đông trụi lá. Báo hiệu mùa xuân ấm áp, cũng chớm sang mùa khô. Dọc hai bên đường, hoa đào hoang tím nhạt, lung linh trong gió.
…….
     Khi nghe thông báo chương trình HO, dành cho những người cải tạo. (Chương trình HO - Humanitarian Operation dành cho cựu tù nhân trại cải tạo, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program - Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo). Thầy Ba Dzan, “sĩ quan biệt phái” hội đủ điều kiên, tôi hướng dẫn em Sang nộp hồ sơ.
     May mắn thay, gia đình thầy được lên đường định cư Hoa Kỳ. Các em nay đã thành đạt xứ người. Trong số các con thầy, Julie Nguyen  có tên khai sinh là Nguyễn Thị Sông Hương. Ban đầu, học Đại học California tại Irvine, tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Sau đó, chuyển theo học chuyên ngành khoa học chính trị và tham gia vào chính trường. Julie Nguyen từng là thành viên hội đồng thành phố Garden Grove, California.


     Hơn mười năm sau, em Sang cùng tôi đưa hài cốt thầy về nơi ngày xưa, thầy đã bỏ xứ ra đi. Nhìn quê hương sau bao năm trời, vẫn còn nhiều khốn khó. Di ảnh thầy với đôi mắt đăm chiêu, như luyến tiếc hoài bão một đời, thầy đi chưa trọn vẹn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...