Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

CHA TÔI

     Mùa thu năm 1949. Tôi chưa ra đời, cha tôi đã chết.
Mẹ kể: Tây ruồng bố, cha leo lên cây đa. Cành lá không đủ che thân, cha bị bắn, rơi như sung rụng. Mẹ tôi 18.
     Làng quê tôi, ai cũng nghèo như nhà ngoại. Tôi sinh ra ở đó, ngôi nhà không có đàn ông. Thời ấu thơ, tôi chẳng nhớ được gì ngoài cây đa già, có am thờ cha tôi cùng các ông bình vôi, nồi đất vất đi, qua nhiều thế hệ. Nơi đó linh thiêng, tôi sợ người chết
    Một đêm mùa đông – khi tôi đã năm, sáu tuổi, có bóng đàn ông vào nhà tôi. Mẹ tôi thì thầm những gì, tôi không nghe rõ. Tôi co ro trong cái bao tời rách, rồi ngủ lúc nào không hay.
     Bà ngoại tôi chọn ngày, làm lễ Khai tâm – Ngày xưa, khi đứa trẻ được sáu hay bảy tuổi ta, người ta chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ Khai tâm. Lễ Khai tâm được coi trọng, vì nó mở đầu cuộc đời mới của đứa trẻ. Cuộc đời của một nho sĩ học đạo Thánh hiền, để thành người quân tử, noi theo con đường "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", giúp ích cho nhân quần xã hội. Vì đạo Nho lấy tu thân làm gốc, nên phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tức là, trước hết dạy đứa trẻ cách cư xử, đối với mọi người trong gia đình và xã hội (hiếu, đễ, nhân, tín), vun trồng cội gốc bằng đức hạnh, rồi sau mới tới phần đào tạo tài năng, bằng Thi, Thư.
     Mẹ đội trên đầu con gà, dắt tôi đến nhà thầy giáo Khải. Thầy mặc áo dài đen, râu dài, ngồi trên phản gỗ, tay cầm roi mây nhịp nhịp. Lũ học trò khoảng mươi đứa, đều lớn hơn tôi. Tôi khóc ré lên, chạy vù ra cổng. Mẹ luống cuống, con gà sút dây, kêu quác quác… Mẹ gọi, tôi nghe, nhưng tôi muốn về với ngoại.
    Mẹ dỗ dành, không học phải đi chăn trâu, chăn bò. Bà ngoại nói: ”Ấu bất học, lão hà vi” như bà. Học giỏi, biết chữ, mai mốt làm ông thông, ông phán “ tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò” (TX)
    Rồi tôi cũng đến trường, cuốn vở, bình mực, cây bút lá tre. Ngày đi học đầu tiên, mực nhoè cả bàn tay lẫn chiếc áo mẹ mới mua.

O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội nón Ơ thì thêm râu “

     Thầy tôi, ở buổi giao thời tây học,  nên thỉnh thoảng dạy tam tự kinh: Nhân chi sơ, Tính bản thiện, Tính tương cận, Tập tương viễn. Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên, Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên” 

“Ngọc bất trác, bất thành khí, 
 Nhân bất học, bất tri lý.

    Tôi lên trung học, ngoại tôi mất. Mẹ để lại ruộng vuờn cho dì. Dắt tôi vào Saigon. Mẹ đi làm thuê, nuôi tôi ăn học. Thỉnh thoảng mẹ bảo tôi viết thư về thăm dì :
“Từ miền Nam, viết thư về thăm xóm làng  Sắt son gửi trong mấy hàng Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng Thương những già khuya sớm lang thang
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi Nhớ nhưng rồi thương qua lắm bé thơ ơi.

      Trước hai hôm thi tú tài, mẹ tôi bị tai nạn qua đời. Tôi đưa mẹ về quê, an táng dưới gốc đa, gần cha tôi.
      Vào lại Saigon, tôi ôn bài vở, thi lại kỳ 2. Tôi làm đủ thứ nghề, vừa học vừa làm. Căn nhà trọ ở đường Cống Quỳnh, quá nhiều kỷ niệm của mẹ con tôi. Dáng tất bật của mẹ, nơi mẹ ngồi chải tóc những đêm về muộn. Khi tôi thức dậy, mẹ đã đi làm. Tô bún đã nguội, bên ổ bánh mì, mẹ lo tôi ăn không đủ no. Mẹ tôi làm lao công.
     Thi rớt tú tài, tôi vào quân đội. Dọc đường hành quân, có lần về lại quê tôi. Cây đa xưa, không còn bóng dáng, am thờ cha tôi, nấm mồ ngoại tôi, mẹ tôi. Tất cả đã tan theo gió bụi, chỉ còn lại hố bom sâu hoắm, đục ngầu. Cũng tại quê nhà, tôi đã mất một bàn chân.
    Sau chiến tranh, tôi về. Dì tôi sau thời gian tản cư, đã về trước đó. Tôi ngớ ra, nhà dì có người đàn ông lạ, tôi chưa từng gặp bao giờ. Chân cụt đến bẹn. Tôi định chống nạng quay lui.
     Dì đi đâu về hớt hải:”- Anh Ba, thằng… Minh!”- Minh là tôi. Người đàn ông nhào tới, suýt ngã. Tôi dang hai tay đỡ. Quên mình cũng đã mất một bàn chân.
Người đàn ông ấy: Cha tôi. Đã một thời, chúng tôi quay ngược súng vào nhau.
   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...