Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

CHỐT THÍ

   Càng già, tính bảo thủ, cố chấp càng tăng. Lão Nhân soi rọi lại mình, đúng thật. Ngày son trẻ, dù chân đạp chông gai nhưng ánh bình minh rạng rỡ phía trước, biển đời mênh mông. Nhẹ tênh.
     Lão thở dài. Trước mặt đám bạn già, lão cười giả lả: “- Buông bỏ, buông bỏ. Ngày giỗ, con cháu đốt vàng mã, đô la âm phủ!”.
     Mặt trời chưa lên. Bên tách trà, lão cảm thấy cô đơn ngay chính nhà mình. Bà vợ già đầu ấp tay gối cả một đời, nay mỗi ngày mỗi khác. Lão và bà ấy như hai thế giới. Con cái đầu tắt mặt tối, lo cho gia đình riêng. Lão đang sống sờ sờ, ai cũng nghĩ lão chết rồi.
     Lão lắng nghe hai mẹ con thì thầm: “- Ông già ngày càng khó tính, chuyện gì cũng rầy la được! Thời bây giờ…”.
     Lão sôi máu: “- Thời bây giờ thì sao? Không còn kể gì đến công lao sinh thành dưỡng dục, tình nghĩa thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình… tình…”. Lão quắc mắt, ho sù sụ.
     Mỗi thế hệ mỗi khác. Lão không bảo thủ là gì? Già rồi cảm thấy mình vô dụng, nhưng không chịu ngồi yên. Tính công thần, ỷ lại mớ kiến thức đã lạc hậu, áp đặt. Rồi đâm ra mặc cảm, tự ty.
     Lão Nhân trầm ngâm, quán chiếu  để hướng thiện. Bạn già của lão từ nhiều nguồn:  Bạn văn nghệ, bạn đồng liêu. Bạn học còn lại năm, bảy ông.  Nhưng mỗi ông mỗi kiểu. Ngồi lại không nhắc chuyện cũ, cũng lôi chuyện thời thế, chuyện đời, chuyện văn chương… Cười ha hả, sảng khoái. Khi về nhà, tất cả co lại, chun vô vỏ ốc của mình. Lặng thinh.
     Chữ Nhân viết theo Hán tự, nét tiến nét lùi. Đời lão Nhân tiến thối lưỡng nan. Nhớ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan không chịu đi thi và không ra làm quan với triều Mạc, lúc sắp suy tàn, mà sướng thay! Biết tự mình chọn thời Lê trung hưng, để thi thố tài năng. Lão bị động viên, khi mới xong đại học. Sau gần ba năm “cải tạo”, về làm thợ mộc.
     Ông Giang nhà đối diện, lấm lét nhìn sang. Ban đầu nghi ngại, nhưng qua mấy lần tào lao xích đế, bên ly cà phê quán cóc đầu đường, đâm ra tương đắc với lão Nhân.
     Ông Giang sắp xong đại học Bách khoa, phải lên đường đi B. Đến ngày hoà bình, phục viên về làm công nhân gang thép Thái Nguyên. Nghe lời thằng cháu đi nghĩa vụ, bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, xin nghỉ việc đưa gia đình vào Nam.
     Vành đai Tân Sơn hoang vắng, đường đất gồ ghề, lởm chởm đá xanh. Lưa thưa năm bảy căn nhà tole vách ván. Lão Nhân chiếm dụng đất trồng rau, rồi bán lại cho ông Giang rẻ rề.
     Ông Giang có máu văn nghệ, bút hiệu Đông Giang. Đã nổi danh một thời qua các truyện ngắn làm xao động lòng người. Lão Nhân sực nhớ có lần đọc truyện ngắn “Sao rơi trên biển” của Đông Giang, trên  báo V.N thời ông N.N làm tổng biên tập. Lão Nhân ngưỡng mộ Đông Giang từ đó, ai ngờ tác giả lù lù ở đây.
     Ông Giang vì văn nghệ, lên bờ xuống ruộng. Tổng biên tập N.N người có công đổi mới về nội dung tư tưởng của báo V.N và phát hiện nhiều tài năng, tên tuổi sau này, cũng hết đất dụng võ.
     Nhà ông Giang có lò nấu rượu, lấy hèm nuôi heo. Ra được mẻ nào, hai ông cùng anh em tứ chiếng giang hồ “quất” sạch, rồi nghêu ngao hát vang trời đất.
     Lão Nhân không kém gì, nhận được tiền ứng trước lô hàng mộc. Lão mời anh em làm một chầu, say tuý luý. Lão ứng khẩu, thơ tuôn như thác đổ. Lão giải toả nỗi uẩn ức hay gởi tâm sự của mình cho mây cho gió?.  Ông Giang thầm tiếc, mai sau di cảo của lão Nhân chỉ còn sót lại những câu thơ góp nhặt, lồi lõm như khuôn mặt rỗ của lão.
     Ông  Nhân trầm ngâm: “- Ông, tôi như cái kiến bò quanh lòng chảo, không biết bị đốt lửa lúc nào! Tụi mình thua con chốt thí. Nghe chuyện Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm,  thấy héo hon gan ruột!”.

     Đặng Trần Thường đến xin Ngô Thì Nhậm tiến cử, lúc Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng. Trông thấy vẻ khúm núm, mất phong độ của kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm thét bảo Thường:
“- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”.
     Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, khăn gói vào Nam, đầu quân Chúa Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long), làm đến Binh Bộ Thượng thư.
     Khi thay đổi triều đại, Đặng Trần Thường gặp Ngô Thi Nhậm, ra câu đối:
“- Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”
Ngô Thì Nhậm đối lại:
“- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”
     Đặng Trần Thường giận dữ, sai người dùng gậy tẩm thuốc độc đánh Nhậm. (Theo Việt Nam sử lược và Quốc Triều Chính Biên).
    Nhậm về đến nhà thì chết.

     Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, những con pháo cô đơn sang sông. Mưu sĩ như Nguyễn Hữu Chỉnh,  cưỡi ngựa què phò Lê Chiêu Thống, cuối cùng gãy cánh đại bàng, bị Vũ Văn Nhậm giết.
     Vũ Văn Nhậm có công với Tây Sơn là thế, cũng bị Nguyễn Huệ sai ngườị đâm chết.
     Nội chiến tương tàn. Ới ông họ Lê, họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Hồ (Tây Sơn)... dân đen cùng đinh như rác như rơm…
     Lão Nhân, ông Giang như hạt sạn trên sàn. Hạt gạo thơm tròn bị nuốt chững, bởi tham vọng bá chủ đồ vương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...