Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

LY HƯƠNG

     Nhận được thư tay, từ người quen: Anh Đồng. Sau ngày Thành  được tha về. Anh viết:“Quê mình không sống nổi đâu, em thu xếp đưa vợ con vào trong này. Miền đông Nam bộ dễ sống,  dù còn nhiều khó khăn. Nhưng nhân tâm rộng lượng, hơn nữa đa số bà con, hoàn cảnh giống tụi mình, dễ cảm thông và sẳn sàng giúp đở nhau hơn”.
     Năm năm làm lính, trú đóng nơi heo hút đồi mây, núi đá. Sống chết dễ như trò chơi sấp ngửa. Những ngày phép thường niên ngắn ngủi, chỉ dành cho người tình, bạn bè bù khú…
     Tuổi hai lăm, cộng năm năm tù đày, bây giờ gần được mẹ cha. Cha hom hem vì bệnh phổi kinh niên, mẹ còm cỏi, con dâu và mẹ chồng chưa quen nghề ruộng đồng, nuôi heo, thả vịt. Kính cận thị của vợ bị vỡ mất một tròng, đi đứng loạng choạng như người mộng du, rối loạn tiền đình.
     Dù gì quê hương mình vẫn là máu thịt. Đui què mẻ sứt, vẫn cố quay về.

“Ngày trở về, anh bước lê/ Trên quãng đường đê đến bên lũy tre/ Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về. 
Mẹ lần mò, ra trước ao/ Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ/ Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…”
…...
 (Ngày trở về - Phạm Duy)

    Thành ngước nhìn ngôi nhà ngói cũ bị đạn bom, chỉ còn ba mặt tường nham nhở. Những tấm tole được chằng buộc bởi những cây tre gìa, thân mốc meo buồn thảm. 
     Ngày vợ Thành sinh con thứ ba, cũng là ngày mẹ anh qua đời đột ngột vì tai biến, vỡ động mạch não. Mẹ vừa qua tuổi năm mươi.
     Tấm thân bệnh hoạn của cha anh suy sụp hẳn. Nỗi đớn đau mất người thân yêu nhất, xé nát tâm hồn anh. Đêm trời trở gió, anh lang thang trên cánh đồng, chỉ còn trơ gốc rạ. Hình ảnh mẹ quấn quýt bên anh, bóng dáng tiều tuỵ vì thiếu ăn, đang lom khom trên ruộng lúa ngày nào, bừng lên niềm hân hoan khi anh được tha về bất chợt.
     Anh tập tành làm y tá thay mẹ, chích thuốc cho cha. Mũi tiêm đâm vào mông khô héo, không còn cơ bắp. Tay anh run run, tựa hồ như ai bóp nghẹn tim mình. Cha quay nhìn anh, đôi mắt buồn hiu kèm theo tràng ho dữ dội.
     Anh vẫn không yên với cảnh đời đã quá ư nghèo khó. Sự đố kỵ và lằn ranh vô hình đen đỏ tách biệt gia đình anh với những người trong làng, kể cả người thân, khiến người cha cô đơn của anh và cả bản thân anh trở thành cô độc.
     Xa xa về hướng Tây Nam,  dãy Ngọc Linh mờ mịt. Anh nhớ những đêm hè, ánh lửa bập bùng xa tít  trên lưng chừng núi, khói quyện vào trong mây. Không nghe tiếng đạn nổ, bom rơi, vừng sáng hoả châu như ánh trăng huyền ảo pha sắc máu trong đêm, khiến làng quê anh chao đảo, không thể yên bình.
     Anh nhìn con chó của cha, đôi mắt nó nhìn anh không chớp, đuôi ngoe nguẩy cầu thân. Sự cùng quẩn khiến anh chợt có ý man rợ. Đứa con gái lên ba, ghẽ lở đầy mình khóc ri rỉ như mèo hoang trong đêm khuya vắng. Không có gì để đãi quan viên, từ ngày anh vác chiếc ba-lô con cóc rách nát về quê.
     Con chó ngoan ngoãn theo anh. Mương thuỷ lợi lững lờ, dòng nước trong veo soi bóng anh mờ ảo, nhưng đôi mắt anh rực lửa. Không một tiếng kêu, chỉ nghe ặc ặc đuối nước của con vật thân yêu, lịm dần mềm nhủn trong bàn tay anh.
     Sông Thu Bồn vượt qua bao đồi núi đưa phù sa bồi đắp. Gần đến biển, sông Thu Bồn và sông Bà Rén gặp  nhau để hoà với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An, rồi đổ ra Cửa Đại.

             “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
               Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...”

     Những cụm đồi Bồ Bồ rừng thông xanh tươi, hồ nước phẳng lặng trong lành. Từ trên đỉnh đồi nhìn về hướng Nam, phong cảnh quê hương anh như dải lụa xanh ngút ngàn. Anh nghe đâu đó, một con mối chúa có hàm lượng dinh dưỡng bằng ký thịt bò, còn tăng cường sinh lý, bổ thận. Anh đào, anh phá tan hoang gò mối. Đất tổ mối chai cứng khiến anh vã mồ hôi, chân tay bủn rủn vì đói. Những con mối lính đưa hai càng nâu đen, găm vào da thịt anh căm phẩn. Anh xới đào từng hang hốc nhỏ bé truy lùng mối chúa. Gánh sắn trên vai anh nặng trĩu, những củ khoai mì da mốc thếch cứu đói, nhân sâm của gia đình anh.
     Thằng Cu đen cùng thời tiểu học - giờ là ông Y, cán bộ xã, gởi giấy mời. Hắn còn lạ gì lý lịch ba đời nhà anh. Ông nội anh: Thầy dạy chữ nho cho ông nội hắn và cả cha hắn.   
     Hắn làm như không hề quen biết. Sự đối kháng hằn trong ý nghĩ và mặc cảm thân phận, khiến mắt hắn đỏ rực những tia máu. Hắn hất hàm:
“- Ký vào, đi gỡ bom mìn! Tụi mầy gieo thì tụi mầy dọn”.
      Tiếng nổ đanh gọn của quả lựu đạn rỉ sét mang nhãn hiệu Liên Xô. (Lựu đạn F1 được sử dụng rất phổ biến trong chiến tranh, Liên Xô sản xuất hàng loạt nhằm trang bị cho du kích. Phần lõi lựu đạn không chỉ chứa thuốc nổ mà ngoài ra còn có mảnh vỡ của kim loại, thủy tinh, sành, sứ.)
    Tiếng kêu rên của các bạn đồng hành khiến anh đau đớn. Xé miếng vải áo mục không âm sắc buộc vội, dòng máu oan nghiệt, di hại của thời chiến tranh tàn khốc vẫn còn chảy mãi, trên thân phận nhược tiểu của quê hương anh.
…..
     Hắn đã thắt ống dẫn tinh, nhưng không hiểu sao vợ hắn lại mang bầu đứa thứ năm. Mụ Bình – hội phụ nữ xã   khuyến khích phá thai. Thời nay chuyện phá bỏ dễ ợt, nhau thai ngâm rượu bồi bổ sức khoẻ, chữa được bách bệnh. Hắn quay mặt ghê tởm những lời phát ra từ miệng mụ. Hắn quát đuổi mụ ra khỏi nhà, mụ cầm nón đi te te, còn ngoái lại phun miếng bả trầu đỏ lòm như máu.
     Những linh hồn thai nhi lượn lờ như những cánh hoa bay vật vờ trong gió, vô diện, vô danh.
     Mụ Bình gọi những hủ rượu ngâm nhau thai (đông y gọi tử hà xa) là mỹ tửu. Mụ chỉ dành biếu tặng cho quan chức trong làng, xã. Gò Găng phía sau nhà mụ, những chiếc hủ sành cỏn con nằm lăn lóc. Xác những thai nhi bị đào bới bởi những con chuột rụng hết lông.
     Vợ hắn đi đặt vòng tránh thai. Nhưng lại có thai, thai ngoài tử cung, suýt chết. Từ đó vợ hắn thay đổi tính tình, mất thiên chức làm vợ. Trước đây dịu dàng, nhu mì bao nhiêu nay càng mạnh mẽ, đàn ông tính bấy nhiêu.
     Thành chia sẻ với hắn từng củ khoai, củ sắn. Đám con liu chiu lít chít, gầy tong teo và đen nhẻm như đám trẻ Somali. Ba đứa con anh chẳng khác gì hơn. Vậy mà không biết hắn nhiễm chất độc gì, hai mắt mờ dần rồi mù hẳn.
     Hắn tốt nghiệp phó đốc sự, quốc gia hành chánh. Nghề giáo như Thành còn mất dần chữ nghĩa, huống gì nó.
     Hắn mưu sinh bằng nghề đan giỏ. Đôi tay như có mắt, thoăn thoắt điệu nghệ. Những chiếc lạt tre múa vặn mình,  thành những hình lục giác đều đặn, đẹp mắt. Đôi mắt hắn trắng dã, chớp chớp lăn dài trên má, hai giọt nước trong veo.
    Anh Đồng là anh vợ hắn. Thôi đành giã từ bản làng, quê quán. Hai gia đình xếp gọn hành trang, cất bước ly hương.
…….
     Những ngày giáp tết, mưa rả rích thật lạ. Mùa cao su rụng lá cũng bắt đầu mùa khô ở miền Đông Nam bộ. Hàng cao su thẳng tắp, lá vàng nâu reo trong gió, đẹp như rừng phong Bắc Âu.
     Năm nay thời tiết đỏng đảnh, vườn cây chôm chôm tả tơi trong gió, hoa rụng đầy đất. Không gian ẩm ướt, có lẽ mưa muộn cuối mùa.
     Hoa đào hoang màu hồng phớt, phả vào lòng người tha hương nỗi niềm cô quạnh. Bàn thờ tổ tiên không thể ấm lên, khi lòng người ly tán. Tiếng chuông chùa Diệu Pháp ngân vang trong đêm giao thừa lạnh lẽo, càng nghe quạnh hiu xa vắng.
     Thành nhìn sang nhà hắn. Căn nhà bên bìa rừng cao su reo khẽ tiếng lá buông xác xơ trên vách. Ánh đèn tù mù như đom đóm lập loè trong đêm, điểm xuyết những chấm lửa lẻ loi của tàn hương.
     Đã từng đón năm mới trên đèo heo hút gió, trong rừng lau lách nghe tiếng đạn reo, nhưng anh không có cảm giác cô đơn như đêm nay.
……

Bốn bể luân lạc tha phương

Trời Nam, nghìn dặm thẳm
Non nước, một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc
Trăm năm thân thế, bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ…
Lại đây cùng ta
Chung cạn một hồ trường!”
….
(Hồ trường – Nguyễn Bá Trác)

     Hắn không tin thượng đế, trời Phật cũng không. Vậy mà hắn đi tu. Hắn đã giải thoát cho chính vợ con hắn.Tấm thân tàn phế đui mù ngậm văn chương, tri thức nghêu ngao, ngâm nga tràn cung mây. Nghêu ngao cho quên đời hay ngâm nga để ngậm ngùi?
     Thành gom hai gia đình làm một. Anh Đồng chắc lưỡi:”- Một ông, hai bà chín đứa nhóc!”. Anh chia:”- Ba đứa lớn ở cùng anh!”. Vậy là Thành còn chín nhân khẩu.
     Chị Dung – vợ hắn, tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn. Niên khoá đầu tiên, chị được phân công về dạy ở trường tiểu học Phước Sơn, dưới chân núi Ngọc Linh. Ngày giã từ quê hương, chị mang theo cả nỗi niềm và tình yêu của những đứa học trò bé bỏng ở miền quê nghèo Phước Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc.
      Hằng ngày chị đi chặt lá buông về đan hàng thủ công mỹ nghệ, chiếc áo bộ đội cũ dài quá khổ, bê bết mủ cây rừng xám đen, tạo thành bức tranh đời buồn thảm.
     Cộng buông như tàu dừa, nhưng có hàng răng cưa nhọn bén. Chị vót những đôi đũa trắng tinh, có đường vân rất đẹp. Lá buông dùng lợp nhà, dừng vách và buộc bằng sợi lạt sóng lá, để che gió mưa. Lá buông non được chằm thành tấm hoặc rọc thành nan để đan túi ví, làm nón, bao đựng, bện thành dây…
     Cũng từ bắp lá non tơ, đã xa lắm rồi, những cánh buồm đan lá căng gió lướt sóng biển khơi, trở thành hình ảnh phiêu bạt và thơ mộng của một thời.
    Tiếng trẻ thơ cười nói, nghịch ngợm, nô đùa. Tiếng ê a ngọng nghịu của đám học trò nhỏ thành dư âm trong lòng chị, vang vọng mãi…Trong giấc ngủ mệt nhoài, chị nghe văng vẳng tiếng trống vào lớp, chị giật mình bật dậy. Tiếng côn trùng rả rích đâu đây…
     Trời đã tối dần, đường về còn xa. Tiếng vượn hú não nuột từ rừng sâu, cơn mưa bất chợt khuấy động bầy vắt, bung ra bám đầy tay chân, mặt mũi của những người đi rừng như chị, vừa gánh vừa kéo lê bó lá dài quét đất. Mớ dây leo ngớ ngẩn buông lơi, vướng víu như trêu ghẹo những người tha phương cầu thực. Mồ hôi chị chảy dài pha trộn mưa rừng, không làm chị bớt cay mắt.
………..
     Không ai hiểu tâm trạng của anh Đồng. Anh ngán ngẩm thế nhân, lên rừng. Đời gì thế? Nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, thủ thế.
     Rừng miền đông Nam bộ bạt ngàn. Những giọt dầu tươm tinh tuý, thân cây dầu thẳng đụt. Càng thẳng càng dễ bị hạ. Những cánh “muồng hoa đào” nở rộ, anh phát rừng làm rẫy. Chỉ có anh với những đàn chim, sóc, heo rừng…
     Thanh âm của chúng, anh thấy vui. Anh sợ tiếng người, ghê sợ giọng cười giả lả. Những ánh mắt như có sắc nhọn của mũi tên, của gươm… Anh tự nhận mình là con chim cun cút. Anh sợ lưới.
     Tiếng mưa rừng tí tách, lộp độp buồn hiu. Nhưng lòng anh thảnh thơi kỳ lạ. Đàn chim bay về trú ngụ bên anh, cánh ướt tả tơi, đang rỉa lông cho nhau. Anh lại nghĩ về loài người, đang nhổ lông nhau.
      Ánh nắng hiếm hoi xuyên qua tàn lá. Đàn heo rừng chạy ngang căn lều, tiếng khịt khịt và giọng hót lảnh lót của con chim lạ, khiến tâm hồn anh bùi ngùi thương cảm vô cớ.
      Nhìn con sóc chít chít trên xà nhà, anh ôm lá khô vun tròn thành tổ ấm. Bếp lửa khói um ngột ngạt, khiến bầy chim bay vụt ra ngoài. Anh hối hận, nơi nào có bàn tay con người, cũng gây tệ hại.
     Bếp lửa bừng sáng, gió dìu dịu làm lá cọ khô trên vách, run lên khe khẻ. Tiếng còi tàu sắp đến ga Trảng Táo vang vọng ngân dài, gợi nhớ miền đô hội xa xôi. Đường tàu như mũi tên xuyên qua cánh rừng, rồi mất hút về hướng Gia Huynh, Suối Kiết.
     Anh Đồng nói đúng. Quê nhà mình, đến gò mả cũng đào xới để trồng khoai mì, rau đậu. Bờ tre lụi tàn vì đào hết gốc, tấc đất tấc vàng… nhưng xác xơ vẫn hoàn xơ xác.   
     Nhưng nơi này, vùng đất ba-dan đỏ au màu mỡ. Rẫy ngô xanh ngát, hoa màu tốt tươi, trù phú bạt ngàn ven lô cao su. Đất cũng rộng lượng và bao dung như tấm lòng người dân Nam bộ.
     Anh Đồng giao hết cơ ngơi cho Thành, bỏ phố lên rừng. Thành trở thành anh giáo làng bất đắc dĩ, ba gia đình mười bốn đứa học trò đủ loại, nhưng chẳng đứa nào có khai sinh.
……
     Hơn nửa tháng rồi, anh Đồng không về. Khi Thành đạp xe băng rừng đến nơi, anh đã chết. Xác anh nằm cong queo trên võng, khô đét. Rừng mùa khô, trảng tranh cháy nham nhở, chiếc lá to bản của cây dầu truớc hiên, khô cong bay vòng vèo đậu xuống ngực anh, như an ủi và tống tiễn một linh hồn ra đi trong cô quạnh.
     Thành nghẹn ngào nhớ lời anh:”- Một ông, hai bà chín đứa nhóc!”. Bây giờ, một ông ba bà, mười bốn trẻ ranh.
     Chị Dung thành lập tổ “thủ công mỹ nghệ”. Tận dụng lao động tối đa. Thành liên hệ nhận hợp đồng từ HTX mây tre lá Ba Nhất. Ngày đầu khởi nghiệp Ba Nhất cũng:“Không nghề, không vốn, không kinh nghiệm làm ăn”.
     Chị Dung phân công cho mấy đứa lớn lên Bình Dương học nghề đan lát. Từ ngày mấy đứa nhỏ được nhận vào trường, Thành rảnh tay hơn, anh khai thác nguyên liệu dồi dào từ rừng. Những chuyến xe đầy ắp mây, tre, lá đã thành chất đốt vì mốc meo và không có điều kiện bảo quản. Kinh nghiệm đổi bằng máu, mồ hôi lẫn nước mắt.
…..
     Mười bốn thằng nhóc ngày nào, đã có hơn một nửa du học các nước Tây Âu. Đứa lớn nâng dần đứa nhỏ tiếp bước trên con đường tìm đến với tri thức. Sự gắn kết của những chiếc lá buông, song mây, tre nứa bình thường trở thành hàng thủ công mỹ nghệ.
     Chúng sẽ làm gì cho đẹp lòng quê hương hay mang nỗi buồn viễn xứ của người tha phương ngay trên đất nước mình và trên cõi đời này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...