Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

MẶC ĐỊNH

     “Mặc định gần thế kỷ. Cứ vậy là nghịch, cứ vậy là thù”. Ba Hưng trầm ngâm nhìn hai Uẩn. 

      Hai anh em cùng cha khác mẹ. Hai Uẩn chào đời bên bờ sông Bồ Đề, ngút ngàn tràm đước.
      Ngày hai Uẩn lên ba, ông Sinh tập kết. Quê nghèo xác xơ vùng Tây bắc. Cảm khái nỗi lòng Quang Dũng, ông Sinh ngẩn ngơ:”Khèn lên man điệu nàng e ấp…. Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ…”
     Nàng dễ vỡ như hạt sương long lanh, đọng trên cánh hoa ban rừng trắng muốt. Tính nghệ sĩ trong ông bừng lên, dữ dội thác ngàn, cuốn phăng. Ba Hưng ra đời từ đó.
     Hai Uẩn - nông dân bộc trực, tính cách Nam bộ thẳng thừng, nhưng không dễ gì gọi ông Sinh bằng cha. Anh ngượng ngùng, vì ông Sinh trên trời rớt xuống. Không thể ngày một ngày hai xóa được tiếng mồ côi đã hằn sâu trong tâm trí. 
     Ngày tàn cuộc chiến, anh mừng nhưng không hân hoan. Anh thoát chết, anh muốn về với mẹ, với hàng đáy vật vờ cá tôm, sông nước. Người ta phong anh làm trưởng ấp, kết nạp đảng cho anh, dù anh không muốn và không biết tại sao.
     Ba Hưng lại khác, được chiếu cố vì mẹ người dân tộc. Du học Hungarie, tốt nghiệp y khoa, nhưng ba Hưng từ chối vào đảng. Ba Hưng chỉ muốn về với buôn làng hiu hắt. Với mẹ và dòng sông Nậm Rốn hiền hòa. (Nậm Rốm, theo tiếng Thái nghĩa là sông Sâu, ở thung lũng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên)
     Ba Hưng không màng danh lợi. Nhưng dần dà về sau, sự đố kỵ về chuyên môn dẫn đến sự nghi ngờ về chính trị, nhất là thời kỳ Đông Âu sụp đổ. Ba Hưng hụt cẳng.
     Ngày anh em gặp nhau, dòng máu cùng huyết thống chan hòa, như chưa hề cách biệt. Hai Uẩn chèo ghe đưa ba Hưng vào sâu trong rừng tràm, rừng U Minh xanh bạt ngàn, tiếng chim ríu rít, yên bình.
     Lần này, hai Uẩn vô tình nhắc lại lời ba Hưng:”Mặc định gần thế kỷ, cứ vậy là nghịch, cứ vậy là thù”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...