Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

     Từ ngày con Hà mang bụng bầu theo thằng Thức về nhà, bà Hồng vừa lo vừa mừng. Không lo sao được, miệng lưỡi xóm Bưng này có chừa ai đâu. Ông Minh cán bộ to về hưu, kín cổng cao tường, có thằng con xì ke, phá gia chi tử cũng lọt ra ngoài. Nhà hai Đờm giả dạng thầy tu, cạo đầu trọc lóc. Chồng ê a kinh kệ, cốc cốc keng keng, học làm thầy cúng. Mụ vợ bán hương đèn, áo giấy, tiền vàng, đô la âm phủ. Cô tư Bân phá thai chui…
     Thứ gì không rộ làng rộ xóm, vậy mà…

     Bà Hồng nghĩ đến gia phong nhà bà, mấy đời làm thầy cô giáo. Ông Hồng bị bệnh qua đời, để lại cho bà con Tâm thằng Thức, khi chúng vừa mới lớn. Tuổi cập kê khó dạy, nhưng nhờ con gái đầu lòng, nên thằng Thức tính nhu mì, ngoan ngoãn, ý thức cảnh mẹ goá con côi.
     Bà sinh ra tại xóm Bưng, gia tộc đã mấy đời. Ngày xưa thôn xóm đìu hiu, nhưng thanh bình yên ả. Tiếng chim cu gù gọi bạn tình nghe xa vắng, đu đưa trên bụi tre sau vườn nhà. Tiếng gà eo óc đầu thôn, vọng theo cơn gió nồm, gieo vào lòng bà những mộng mơ thời xuân sắc.
     “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Bao nhiêu người tứ xứ, tụ về nhập cư trên rẻo đất bìa làng. Mỗi ngày đông dần lên, sự xô bồ chụp giật, ganh ăn ghét ở đẩy tấm lòng nhân ái, truyền thống cha ông xa tít cõi mịt mù.
     Thời của bà được giáo dục từ gia đình, học đường ra ngoài xã hội. Những tấm gương ngời ngời trong đời thường, đi đâu cũng gặp. Họ lam lũ sinh nhai, nhưng tấm lòng trong veo đầy nhân nghĩa.
     Bà dạy con nghiêm khắc, thương yêu nhưng chớ nuông chiều. Khi con Tâm, thằng Thức vào cấp hai, bà lo thực sự. Bà như mẹ gà, lom lom canh giữ đàn con với lũ quạ diều, chực chờ buông móng vuốt.

     Con Tâm tốt nghiệp đại học sư phạm. Cuộc sống gia giáo thanh lương un đúc nên tính cách mô phạm, tôn sư trọng đạo đã ăn sâu vào tâm não cô giáo trẻ. Hành trang cho Tâm chập chững vào đời.
     Ngày sắp ra trường, cô thực tập tận miền núi xa xôi. Những đôi mắt thơ ngây, chân chất nhìn cô đậm đà lòng kính yêu, lưu luyến. Tình thương trẻ em nghèo, hiếu học dâng tràn trong tâm hồn cô. Cô nguyện sẽ suốt đời gắn bó với lương tâm, chức nghiệp làm thầy.
     Bà Hồng dâng hương bàn thờ gia tiên, lầm thầm khấn vái. Bà gọi Thức, Hà dặn dò việc nhà. Nhìn bụng Hà lộ rõ, bà xót xa. Bỗng nhớ về thời bà và ông Hồng yêu nhau, môn đăng hộ đối suýt vỡ mối tình thơ ngây, nồng cháy của bà. Bà cũng đã từng nghĩ sẽ…
     Đường về miền tây chói chang nắng. Chiếc xe đò lắc lư trên đường gập ghềnh hướng Châu Đốc, An Giang. Dòng kênh Vĩnh Tế trong veo như tấm lòng người dân Nam bộ. Bà nhớ bài “Tế nghĩa trủng văn”(Thừa đế lịnh, tế cô hồn kênh Vĩnh Tế tân kinh) của Thoại Ngọc Hầu, ghi nhận công lao của hơn 80.000 chiến sĩ, sưu dân đã bỏ mình khi đào kênh vĩnh Tế ròng rã 5 năm (1819-1824).

...Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này
Quê cách trở, lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này?...
...Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời ngươi an táng nằm chung chốn nầy.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi...

     Khi hoàn thành, vua Minh Mạng lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế, đặt tên cho con kênh này.
     Bà Hồng theo xuồng gắn máy đuôi tôm, lênh đênh theo dòng kênh. Từng dề lục bình trôi xuôi vô định như con bé Hà, có được làm con dâu nhà bà?
     Không biết bà hỏi từ đâu. Nhà ba mẹ Hà nằm chênh vênh trên bờ kênh, cây cối mọc xum xuê: bần, mắm, dừa 
nước, ô rô, cóc kèn, choại, ráng…
     Người đàn ông đang mặc quần đùi, ngạc nhiên nhìn người đàn bà thị thành tay xách nách mang, xăm xăm bước vào. Cha mẹ Hà bối rối, chưa biết lạ hay quen nhưng vồn vã mời chào.
     Bà Hồng nhìn quanh, căn nhà lá đơn sơ. Nổi bật chỉ có bằng tốt nghiệp cấp 3 của Hà, được lồng khuôn trang trọng.
     Bà Hồng đứng lên, khoanh tay như học trò nhỏ trước mặt thầy cô. Lời xin lỗi vì đường đột đến thăm nhà. Lời sẻ chia của người mẹ vì mang tin không vui, lời ân hận của người sinh thành không dạy con tròn đạo hiếu. Bà Hồng nói rõ mọi điều.
     Ông bà Hai như trên trời rớt xuống. Ông bà chỉ có mỗi bé Hà. Ông Hai loay hoay không biết nói gì, vấn vội điếu thuốc rê mà hai tay run run. Không biết ông giận dữ hay xúc động. Bà Hai cúi gầm mặt, như mình có lỗi…
    Chuyện đã lỡ. Bà Hồng trịnh trọng đặt lên bàn khay trầu cau rượu và chiếc phong bì sính lễ. Bà đi hỏi vợ cho con.
     Ông bà Hai qua cơn bối rối, rót ly trà đậm đen do nước phèn, hai tay mời bà Hồng. Tấm lòng người dân Nam bộ bộc trực, bày tỏ thái độ rõ ràng “có thương thì bảo rằng thương, không thương cũng nói một đường cho xong”.
     Bà Hồng lấy xấp thiệp mời, phần bên nhà gái chỉ có Ông bà và những dấu chấm lửng…
     Trước ngày cưới một tuần, bà Hồng đích thân mời bà con chòm xóm. Đến nhà ông Minh cán bộ, những khuôn mặt không lạ cũng đang ở đây, bà e dè bước vào chào khắp lượt. Từng thiệp mời được nắn nót tên người nhận. Bà trịnh trọng gởi tận tay, có người đứng lên cũng có người trịch thượng, đưa hai ngón tay kẹp tấm thiệp mời, để xuống mặt bàn đầy xương đã gặm nham nhở phần thịt.
     Bà cúi đầu chào và quay lưng, tai nghe văng vẳng tiếng xì xào:“Phình bụng mới cưới, bày đặt…/ Mất m… nửa tháng lương!...”. Tiếng cười khoái trá đuổi theo chân bà. Bà sực nhớ hôm nay, ngày kỷ niệm “Thương binh Liệt sĩ”.

     Gần tuần nay, cô giáo Tâm đi dạy về, vào phòng riêng. Nhìn con ủ dột, không hân hoan như những năm mới vào nghề. Bà Hồng bất an. Chim đủ lông rời tổ, mẹ chim có đau đáu dõi theo bóng con? Từng niềm vui nỗi buồn của đàn con, có sẻ chia hay bận lòng lo lắng như bà?
      Học trò thành phố của cô, đã ‘trưởng thành” hơn những gì cô nghĩ. Sự gắn bó tin yêu rời rạc, đôi mắt thơ ngây nhìn cô xen lẫn hoài nghi. Không như những học trò miền núi xa xôi, mộc mạc chân tình. Dâng cả trái tim mình, như thời cô đi thực tập.
     Niềm đam mê lụi tàn, nghĩa là thiên chức làm thầy sẽ chết. Cô đã từng thả hồn bay theo những áng văn hay, những câu thơ xúc động lòng người, học trò cô mê say quên cả tiếng trống tan trường. Nhưng sự trích dẫn của của cô đã lạc đề.
     Bà Hồng bất lực nhìn con héo hon. Thời của bà, giáo dục và sáng tạo đã thoát ra ngoài vòng cương toả. Tâm hồn thăng hoa theo cảm xúc, nhưng vẫn giữ trọn đạo nghĩa làm người.
     Chính bà cũng không dám bày tỏ cùng ai nỗi niềm riêng. Bà cô đơn vò võ từ ngày ông Hồng xa bà. Nhưng đau lòng vì người ta cho bà hợm hỉnh. Bà cố giữ tiết tháo của thân sinh. Nhà nho cao đạo.
     Ngày Thức tốt nghiệp đại học Kinh tế, cũng là ngày vui lớn nhất đời bà: Hà sinh cho bà đứa cháu nội kháu khỉnh, khuôn mặt như ánh trăng rằm, đôi mắt đen tròn, ngộ nghĩnh đáng yêu. 
     Bà Hồng dành phần chăm sóc cháu, để Hà tiếp tục đến trường. Sự đô thị hoá đã thay đổi bộ mặt xóm Bưng, nhưng cuộc sống của những người dân tha phương cầu thực, lại lam lũ hơn xưa.
     Bà Hồng quyết định bán nửa phần đất sau vườn. Bà cùng các con, xin phép xây dựng trường tiểu học dân lập TÂM THỨC.
     Năm đầu tiên các em học miễn phí. Những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa được nội trú. Ngoài học văn hoá theo chương trình phổ thông, các em được bồi dưỡng kiến thức đạo đức truyền thống Á đông. Những tấm gương làm NGƯỜI là chủ đề sinh hoạt ngoại khoá. Cách dạy gợi mở, tranh biện bằng lý lẽ và dẫn chứng, lôi cuốn các em.

     Dưới bóng mát cây bàng già, cô giáo Hà nhìn cơ ngơi ngôi trường TÂM THỨC, bao nhiêu dự định vụt sáng trong đầu. Đâu phải vô tình, cha mẹ đặt tên chị em cô là TÂM THỨC?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...